Cập nhật: 8:47, 3/8/2018 Lượt đọc: 5013

ĐỊA ĐẠO PHÚ THỌ HÒA TRONG LÒNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngược dòng thời gian ta thấy xã Phú Thọ Hòa là vùng chuyển tiếp giữa ngoại thành và nội thành mà hàng trăm năm qua, người ta đã khẳng định đây là vùng đất quân sự có nhiều chiến lũy phòng thủ chống quân xâm lược như: Lũy Ông Dầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa,…

Ngược dòng thời gian ta thấy xã Phú Thọ Hòa là vùng chuyển tiếp giữa ngoại thành và nội thành mà hàng trăm năm qua, người ta đã khẳng định đây là vùng đất quân sự có nhiều chiến lũy phòng thủ chống quân xâm lược như: Lũy Ông Dầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa,…Với ngần ấy thời gian sống trong vùng này đã làm cho cư dân ở đây thấm nhuần được ý chí chiến đấu của cha ông ta ngày trước, hưởng ứng và tích cực tham gia nhiều phong trào yêu nước như: “Thiên địa hội”, “Hội kín Nguyễn An Ninh”,…nhân dân ở đây lúc nào cũng sẵn sàng khi có thời cơ đến là đứng lên chống lại sự áp bức, bất công của chế độ phong kiến, bọn cường hào ác bá, bọn thực dân và tay sai bán nước.

Khi có lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ, nhân dân xã Phú Thọ Hòa nhất tề đứng lên theo Đảng làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, nhưng chưa đầy 30 ngày thì thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại gây hấn. Ngày 23/09/1945, cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ bắt đầu, ý đồ của giặc Pháp là quyết tiêu diệt hết lực lượng cách mạng và cơ sở cách mạng quanh vành đai thành phố, để đối phó với hoạt động của địch, tại đình Lộc Hòa, Ủy ban kháng chiến xã Phú Thọ Hòa được thành lập, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Tiễng, Nguyễn Thược, Nguyễn Văn Hối, Nguyễn Văn Bạch,…và một số đồng chí khác. Trong thời gian này, chi bộ xã nhận định cuộc chiến đấu sẽ đi vào lâu dài, gây go và quyết liệt nên chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông hào và đào địa đạo chiến, để cán bộ và lực lượng võ trang bám đất, bám dân chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững địa bàn cơ sở cách mạng, làm bàn đạp tấn công vào trong thành phố .

Mô hình Địa đạo Phú Thọ Hòa (1947 - 1967)

Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, vì nơi đây có những đặc điểm: vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình, địa vật phức tạp, nhân dân có truyền thống cách mạng

S ra đời của khu Địa đạo Phú Thọ Hòa không phải là sự ngẫu nhiên mà là sự sáng tạo có tính nghệ thuật được áp dụng vào từng hoàn cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh nhân dân, có thể hiểu đó là những phát kiến phù hợp với nhu cầu của con người trong chiến tranh, cộng với kỷ năng thuần thục trong các thao tác mới tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo dưới lòng đất,…

Tiền thân của Địa đạo Phú Thọ Hòa là những chiếc hầm bí mật, nhất là hầm ếch, loại hầm này có đường đi không dài lắm khoảng chừng 4,5m, chiều rộng chỉ vừa một người chui, bò hoặc đi lom khom,… dẫu là hầm ếch, nhưng nó vẫn có nắp đậy nghi trang, có ngách và lỗ thông hơi là loại hầm ngõ cụt nên có nhược điểm là khi bị địch phát hiện thì không có đường thoát, do yêu cầu của cuộc kháng chiến từ những đặc điểm loại hầm ếch, nhân dân ấp Lộc Hòa đã cải tiến hầm ếch thành đường hầm xe lửa 2 ngăn, xong qua thời gian nhận thấy loại hầm này cũng không được an toàn mấy, nên các đồng chí lãnh đạo xã quyết định phát triển hầm xe lửa hai ngăn thành hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu…. chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số, trên mặt đất được đào thêm nhiều hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L  và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa dọc theo bờ tạo thành địa hình, địa vật chiến đấu liên xã Phú Thọ Hòa – Bình Hưng Hòa – Tân Sơn Nhì để bảo vệ làng xã, chống thực dân Pháp xâm lược.

                        Trong lòng Địa đạo Phú Thọ Hòa

                            Các bậc thang xuống Địa đạo Phú Thọ Hòa

Địa đạo được đào sâu dưới lòng đất những 3 mét, có đoạn sâu đến 4 mét, lòng địa đạo cao 1 mét, rộng 0.6 đến 0.8 mét, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau, địa đạo có 2 tầng, đường đi của địa đạo có lúc trầm xuống có lúc trồi lên, có nhiều lỗ thông hơi và nhiều miệng hầm, có nắp đậy được ngụy trang cẩn thận tùy theo địa hình bên trên mặt đất. Sở dĩ người ta gọi hầm xe lửa vì sóng địa đạo cứ khoảng 20 mét thì có 1 vách ngăn, ở giữa có khoét 1 lỗ đường kính 0.5 mét, vừa một người chui qua (hình thức này tương tự như từng toa xe lửa) và cứ thế nối tiếp nhau đi từ ấp này sang ấp khác, cách bố trí vách ngăn này để phòng ngừa khi địch phát hiện hầm địa đạo thì ta chui qua hầm kế tiếp rồi bít cửa lại, nghi trang cẩn thận để địch tưởng đây là đường cùng, hết lối.

Một điều rất thú vị trong số những người tham gia đào địa đạo có hơn chục người mang họ cù: Cù Thược, Cù Thanh, Cù Huê, Cù Bốn, Cù Hóa, Cù Lự, Cù Sao, Cù Thực, Cù Kỳ,… nhưng sự thật các bác ấy khi sinh ra không có ai mang họ Cù cả, mà đó chỉ là một cái họ bí mật để chỉ các đồng chí trong tổ đào hầm, có thể vì thấy công việc đào hầm rất nặng nhọc, vất vả nên ai đó đã đặt để chỉ những người siêng năng, chịu khó hoàn thành nhiệm vụ. Trong bài thơ “Chuyện họ Cù và địa đạo quê tôi”, tác giả luôn nhắc đến họ Cù:

“Xã Phú Thọ Hòa son sắc thủy chung

Đã xuất hiện thêm một dòng họ mới

Dòng họ Cù ra đời trong lửa khói

Dũng cảm cần cù đào địa đạo đánh Tây

Những vị họ Cù gan góc, hăng say

Với những lưỡi cuốc đêm đêm khoan vào lòng đất

Địa đạo nhích thêm từng gang, từng tấc

Đất đào lên mặn chát vị mồ hôi

Dưới đường hầm tối đen như đêm ba mươi

Vẫn tỏa sáng trái tim của người Cộng sản

Bên Cù Thượt, Cù Thanh

Có Cù Huê, Cù Bốn,

Cù Hóa, Cụ Lự, Cù Sao

Cù Thửa, Cù Thực, Cù Lắc, Cù Kỳ

Hai vị đang còn và mười bốn vị đã ra đi

Kẻ mất người còn đều một lòng, một dạ

Từ địa đạo quanh ta vùng lên đánh trả

Như con cù long quật dậy nát đồn thù..”.

 

 

     Các đồng chí trực tiếp tham gia đào Địa đạo Phú Thọ Hòa 1947

Bác Tám Lự (Cù Lự), Ủy viên thư ký Ủy ban hành chánh xã năm 1948, từng hào hứng kể lại chuyện đào hầm năm xưa:

“Chúng tôi gồm có 4 tổ, mỗi tổ gồm có 4 người thay nhau làm việc suốt đêm. Trước tiên chọn một địa điểm kín đáo, đào một giếng khô sâu chừng 3 mét, gọi là khai tâm địa đạo, từ trung tâm này bắt đầu phát triển ra, người đào đất ngồi xếp bàn tròn, dùng cuốc chim phá vỡ lớp đất trước mặt rồi từ từ nhích tới, những người ngồi sau kéo đất ra, lôi chuyền lên trên. Đêm nào năng suất cao có thể đào được vài chục mét, để định hướng cho đúng, người ngồi sau cầm đèn để ở một khoảng cách nhất định mà rọi bóng người ngồi trước lên vách. Người ngồi trước cầm cuốc, cuốc vào cái bóng của mình, bao giờ bóng ngay thẳng tròn trịa là lòng hầm đúng ni tấc và phương hướng. Ngoài ra, cũng còn phối hợp kiểm tra trên bề mặt đất, người ở trên áp tai vào mặt đất, người ở dưới vỗ mạnh vào trần hầm sao cho trên dưới đều nghe rõ ám hiệu là được”.

Địa đạo chiến Phú Thọ Hòa được phát triển đầu tiên ở thành phố Sài Gòn, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thể hiện sự sáng tạo trong đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng đã làm nên những chiến công oanh liệt, tháng 10 năm 1945 quân và dân xã Phú Thọ Hòa đã chặn đánh địch suốt 6 ngày đêm tại cầu Tham Lương, năm 1948 trận chống càn ở Gò Đậu – Bình Long, hai lần tấn công vào kho bom Phú Thọ (1952-1954), nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu hao nhiều lực lượng của địch, hỗ trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ, gây được tiếng vang trong nước và trên thế giới.

 

  
       Trận đánh tại Cầu Tham Lương              

Trận chống càn ở Gò Đậu – Bình Long

         

   Dấu tích kho bom Phú Thọ

 

Trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất

 

Trong 9 năm kháng chiến, Địa đạo chiến Phú Thọ Hòa che giấu hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội như: Chi đội 12, tiểu đoàn Ký Con, tiểu đoàn Ngô Gia Tự, Chi đội 13 và nhiều Ban công tác thành,… đồng thời là cái nôi đảm bảo cho nhiều cán bộ quân dân chính đảng các cấp về dừng chân hoạt động tại đây.

Có thể nói Địa đạo chiến Phú Thọ Hòa ra đời chính từ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Phú Thọ Hòa, nhằm bám trụ đánh địch, xây dựng cơ sở bí mật làm căn cứ cho các đơn vị võ trang trú ém, và là nơi xuất phát những trận đánh lớn nhỏ vào đồn bót, sào huyệt của địch, Địa đạo Phú Thọ Hòa ra đời làm nên bao kỳ tích nhưng cũng không kém phần gian nan, cực khổ, đối mặt với cái sống, cái chết vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm của người dân ấp Lộc Hòa, hay nói đúng hơn là trong ký ức của quân và dân xã Phú Thọ Hòa, cần được bảo tồn và phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 17/11/1984, một lần về thăm khu di tích lịch sử Địa đạo Phú Thọ Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (sau này là Tổng Bí tBan Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) đã chỉ đạo nên khôi phục lại khu di tích này, để giáo dục cho thế hệ trẻ. Trong lời phát biểu có đoạn: “Phải dựng lại cuộc chiến đấu của những người đã hi sinh và còn sống để giáo dục nhân dân thành phố, nhất là thế hệ thanh niên. Về Phú Thọ Hòa đã có những người con yêu nước, yêu đồng bào, ghét kẻ thù ngoại ban đến xâm lược và những kẻ tôi tớ cho bọn xâm lược nước ta. Về một Phú Thọ Hòa và đồng bào nơi đây đã hi sinh vượt qua bao nhiêu gian khổ, đoàn kết đấu tranh, yêu thương và bảo vệ các chiến sĩ cách mạng. Làm lại tất cả các di tích này cốt không chỉ để ca ngợi những cái đã qua, mà chính là để truyền lại tinh thần đoàn kết yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng cho thế hệ thanh niên ở thành phố chúng ta, đất nước chúng ta. Từ đó hướng cho thanh niên và nhân dân từ lòng yêu nước tới yêu chủ nghĩa xã hội, yêu chủ nghĩa cộng sản,…”

 

           Đ/c Nguyễn Văn Linh về thăm Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

Năm 1985, quận Tân Bình phục chế lại một đoạn địa đạo năm xưa dài 100 mét và đến năm 1996 được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

         

Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

Với tầm vóc giá trị lịch sử và vị trí của Địa đạo chiến Phú Thọ Hòa nằm trong lòng thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác phát huy tác dụng đưa di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa vào hoạt động thường xuyên và phục vụ tốt các đoàn khách đến tham quan di tích, nhằm phát huy tối đa công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

 

             Nhà Trưng bày di tích lịch sử Địa đạo Phú Thọ Hòa

  33 năm qua từ ngày được phục chế, địa đạo Phú Thọ Hòa kết hợp với các ban ngành, đoàn thể từ quận đến phường, tổ chức tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương, lịch sử địa đạo, vận động nhân dân, đoàn viên thanh niên, thiếu nhi đến tham quan, cắm trại, phát động phong trào “Hành trình đến với bảo tàng”, Nhà truyền thống – di tích lịch sử cách mạng, phong trào “Về nguồn”, hội thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử Địa đạo, tổ chức kết nạp đoàn viên mới, đảng viên trẻ, thăm hỏi, giao lưu nhân vật sự kiện, nhân chứng lịch sử tham gia đào địa đạo năm xưa, tổ chức nói chuyện truyền thống, hoạt động chiếu phim, triển lãm, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt hằng năm đểu tổ chức “Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890).

                         Lễ trồng cây kỉ niệm ngày sinh Bác Hồ

 

       Lễ kết nạp đội viên mới tại Địa đạo Phú Thọ Hòa

        

        Bác Nguyễn Văn Lự và bác Phạm Trọng – Người trực tiếp đào địa đạo,

      ôn lại truyền thống cho các em học sinh đến tham quan Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

 

Học sinh tham quan nhà Trưng bày truyền thống Địa đạo Phú Thọ Hòa

Các em thiếu nhi tham quan nhà Trưng bày truyền thống Địa đạo Phú Thọ Hòa

Vào dịp hè hằng năm, Địa đạo Phú Thọ Hòa là một điểm di tích có nhiều đoàn khách đến tham quan, cắm trại, tổ chức trại bay, là một điểm vui chơi giải trí bổ ích, là một sân chơi cho đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong quận và các nơi khác.

             Đoàn viên thanh niên, thiếu nhi phường Hòa Thạnh

         cắm trại đêm tại khu di tích lịch sử Địa đạo Phú Thọ Hòa

             

                  Câu Lạc bộ kỹ năng Kiến Cầm tổ chức trại rèn luyện

               tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

              Câu Lạc bộ kỹ năng Kiến Cầm tổ chức trại rèn luyện

           tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa

Học viên lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng

khóa II năm 2018, đến dâng hương và tham quan thực tế

khu di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa

  Hội liên hiệp Phụ Nữ quận Tân Phú thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ

           tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa

Trong thời gian qua, di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, đến tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, Địa đạo Phú Thọ hòa đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chính quyền thành phố quan tâm đến thăm và chỉ đạo việc phục chế, xây dựng lại địa đạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau: như đồng chí Nguyễn Văn Linh (Cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên  Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Võ Văn Kiệt (Nguyên thủ tướng Chính phủ), đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên BChính trị, Thường trực Ban Bí thư (lúc đó là Chủ tịch y ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đến nghiên cứu, sáng tác,…

Cán bộ hưu trí, đoàn viên, học sinh nghe thuyết minh

 về quá trình hình thành và phát triển Địa đạo Phú Thọ Hòa

Quận đoàn quận Tân Phú tham quan

khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

Thanh niên, thiếu nhi phường 8 quận 11 tham quan

              khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa

     

Du khách nước Úc tham quan

tìm hiểu hệ thống đường hầm Địa đạo Phú Thọ Hòa

 

Du khách nước Pháp tham quan

tìm hiểu hệ thống đường hầm Địa đạo Phú Thọ Hòa

   

Du khách nước ngoài khám phá, tìm hiểu

hệ thống đường hầm Địa đạo Phú Thọ Hòa

                                 Du khách nước Anh tìm hiểu

                      hệ thống lỗ thông hơi Địa đạo Phú Thọ Hòa

Du khách nước Nga tham quan

 Phòng trưng bày Địa đạo Phú Thọ Hòa

Khu địa đạo Phú Thọ Hòa là một khu di tích được phát triển đầu tiên ở vùng ven thành phố Sài Gòn trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp và được duy trì cho đến hơn 10 năm đánh Mỹ, đó là một sự sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân đầu tiên được ra đời trong một bối cảnh mà chung quanh dày đặc đồn bốt của kẻ thù, nhưng vẫn hoạt động hữu hiệu suốt 20 năm dài đấu tranh gian khổ của quân và dân xã Phú Thọ Hòa (1947-1967). Địa đạo Phú Thọ Hòa cần được bảo tồn và phát huy truyền thống cho các thế hệ mai sau.

(Ông Ngô Văn Chung biên soạn – Tư liệu truyền thống quận Tân Phú – tháng 7 năm 2018) 



Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao
Địa chỉ: 502 Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 64340635 (028) 38653922

Email: ttvhtdtt.tanphu@tphcm.gov.vn

Tập đoàn công nghệ Quảng Ích